Trong toàn bộ những nhân vật của Disney, tôi thích nhất là Dế Jiminy trong phim "Pinocchio". Cảnh tôi thích nhất trong phim là khi cô tiên xanh nói với Pinocchio, "Hãy luôn để lương tâm dẫn đường". Pinocchio liền hỏi, "Lương tâm là gì?" và câu hỏi đó đã khiến Dế Jiminy thất kinh. "Lương tâm là gì? Lương tâm là gì ư! Lương tâm là tiếng nói nhỏ bên trong mà người ta sẽ không nghe theo. Đó là vấn đề của thế giới ngày nay." Tôi rất thích cách mà Dế Jiminy luôn có mặt giảng giải đạo đức mỗi khi Pinocchio vừa nghĩ ra kế hoạch hay ho nào đó. Tôi thích cách cậu ấy nói thật với một con rối. Tôi luôn tự hỏi điều gì ở Dế Jiminy làm tôi yêu cậu ta đến vậy, rồi một ngày tôi nghĩ ra. Đó là vì cậu nói chuyện hệt như ông nội tôi. Nội tôi là một người rất ngọt ngào và dễ mến, và tôi thương ông nhiều lắm. Nhưng tôi phải chia sẻ ông với cả một thế giới rộng lớn. Ông là Roy O. Disney, và cùng với em trai mình, Walt Disney, từ người có xuất thân bình thường ở Kansas, ông đã lập và điều hành một trong những tượng đài doanh nghiệp thế giới. Có hai điều tôi nhớ nhất khi đến Disneyland cùng với ông nội. Một là, ông luôn nghiêm khắc dặn tôi rằng nếu tôi hỗn hào với bất kì ai làm việc ở đó, thì về nhà tôi sẽ gặp rắc rối to. Ông nói, "Họ làm việc rất vất vả, cực khổ ngoài sức tưởng tượng, và họ xứng đáng được con tôn trọng." Hai là, ông không bao giờ đi ngang một mảnh rác trong Disneyland hoặc bất cứ đâu, mà không cúi xuống nhặt lên. Ông bảo, "Chẳng có ai thanh cao đến nỗi không thể cúi xuống nhặt rác". Vào thời của ông tôi, công việc ở Disneyland không phải tạm bợ. Một người có thể có nhà cửa, nuôi sống gia đình, được chăm sóc y tế đàng hoàng, an tâm về hưu mà không cần lo lắng chỉ nhờ vào tiền lương kiếm được tại công viên. Tiết lộ luôn, ông tôi đấu với công đoàn, và đấu rất căng. Ông nói ông không thích bị ép buộc làm điều mà ông muốn tự nguyện làm. Đó rõ ràng là tính gia trưởng và có lẽ hơi nhảm nhí một chút. Ông không phải thiên thần, và không phải ai cũng được đối xử tốt và công bằng trong công ty, điều mà ai cũng biết. Nhưng tôi nghĩ, trong tâm khảm, ông có một cam kết sâu sắc với ý nghĩ rằng ông có nghĩa vụ đạo đức với mọi cá nhân đang làm việc cho ông. Đó không phải là thái độ gì đó hiếm thấy ở các giám đốc điều hành (CEO) thời đó. Nhưng khi nội mất vào năm 1971, một tư duy mới đã bắt đầu ngự trị trong trí tưởng tượng của người Mỹ và sau này là cả thế giới. Dế Jiminy đã bị cho ra rìa bởi kinh tế gia Milton Friedman và những người khác, những người phổ biến ý tưởng quyền ưu tiên của cổ đông. Suy nghĩ thì ta thấy quyền ưu tiên của cổ đông là một ý tưởng khá hợp lý. Cổ đông làm chủ công ty, cổ đông muốn lợi nhuận và tăng trưởng, do đó bạn phải ưu tiên lợi nhuận và tăng trưởng. Rất hợp lý. Nhưng tiếc là, quyền ưu tiên của cổ đông là một ý tưởng trở thành tư duy và tư duy đó đã đi trật đường ray, và nó cơ bản đã thay đổi mọi thứ liên quan đến cách điều hành và quản lý của doanh nghiệp và ngay cả chính phủ. Bài xã luận quan trọng của Milton Friedman trên tờ "New York Times" được theo sau bởi hàng chục năm tổ chức và vận động hành lang phối hợp của các nhà hoạt động kinh doanh cùng sự công kích liên tục vào mọi quy tắc và luật lệ đã từng giúp kiềm chế những bốc đồng nguy hiểm cho doanh nghiệp. Và không lâu sau, tư duy mới này đã bắt đầu ngự trị khắp các trường kinh tế và trên mọi lĩnh vực. Phải chạy theo lợi nhuận bằng mọi cách, bẻ gãy công đoàn, cắt giảm thuế, và cũng con dao đó, rạch đứt lưới bảo hộ. Không cần nói bạn cũng biết về bất bình đẳng gây ra bởi những thay đổi này. Chúng ta đều hiểu rõ. Ý chính là mọi thứ giúp biến một công việc tạm bợ thành sinh kế đã bị tước khỏi dân lao động Mỹ. Công việc bảo đảm, nghỉ bệnh có lương, nghỉ phép, tất cả đã biến mất ngay cả người giàu cũng thấy giá trị tài sản ròng của mình cũng phình to đến mức chưa từng có và không xài tới. Tuy vậy, nếu là tỷ phú Scrooge McDuck bạn có thể đổi tất cả thành xu vàng và bơi tung tăng trong đó. Cho phép tôi đi vào vấn đề chính. Đúng, tôi đang chỉ trích công ty mang tên gia đình tôi. Đúng vậy, tôi tin Disney có thể làm tốt hơn. Và tôi tin rằng rất nhiều trong số hàng ngàn con người tuyệt vời đang làm tại công ty Walt Disney cũng như tôi, ước rằng công ty có thể làm tốt hơn. Trong gần một thế kỉ, Disney đã thu về lợi nhuận kha khá từ ý tưởng cho rằng gia đình là một loại phép màu, rằng tình yêu rất quan trọng, rằng trí tưởng tượng quan trọng. Đó là lí do vì sao bạn sẽ khó chịu một chút nếu tôi nói với bạn là Cinderella có thể đang ngủ trong xe của mình. Nhưng chúng ta hãy rõ ràng: vấn đề này không chỉ riêng Disney. Nó là cả một kết cấu và hệ thống. Không riêng một CEO nào có lỗi và không riêng một công ty nào có đủ tài chính để xử lý nó. Giới phân tích, giới phê bình, giới chính trị gia, chương trình học ở trường kinh tế và các chuẩn mực xã hội vốn định hình cho nền kinh tế đương đại. Disney chỉ đang làm những thứ như bao công ty khác, và họ thậm chí chưa phải là kẻ tệ nhất. Nếu kể cho bạn biết nhân viên khổ thế nào ở Amazon hay McDonald's hay Walmart, hay bất kì chỗ nào trong số hàng ngàn cái tên bạn chưa từng biết, bạn sẽ không bị tác động mạnh bằng việc nói với bạn rằng 73% hoặc 3 trên 4 người tươi cười chào đón khi bạn bước vào, giúp bạn dỗ dành em bé đang quấy khóc, giúp bạn có một kì nghỉ tuyệt vời chưa từng có, không thể kiếm đủ ăn mỗi ngày. Đáng lẽ đây phải là nơi hạnh phúc nhất thế giới. Và nhân viên ở đây cực kì tự hào rằng họ đang theo đuổi một mục tiêu cao cả hơn. Mục tiêu cao cả mà cả ông nội và bác tôi đã quyết tâm xây dựng khi họ biến nó thành một nơi tôn vinh sự tương tác hơn tiền bạc. Tôi biết là từ ngữ như "phép màu" sẽ làm bạn tự hỏi liệu tôi có còn tỉnh táo không. Tôi biết khó mà tưởng tượng rằng một thứ phù du như tình yêu lại có thể đứng đằng sau một cái tên lớn như Disney, và tôi hiểu khó mà tưởng tượng được những thứ khó cân đo đong đếm như nghĩa vụ đạo đức lại có thể tác động đến chúng ta trong quá trình đem đến giá trị tới các nhà đầu tư. Nhưng kế toán và tài chính không làm chủ thế giới. Niềm tin, tư duy, đó mới là những thứ thúc đẩy đạo đức kinh doanh. Và nếu muốn thay đổi hệ thống tư duy và niềm tin này, ta sẽ phải dùng nhiều nhất có thể siêu năng lực Disney ngoài kia. Ta sẽ phải vận dụng trí tưởng tượng. Bạn sẽ phải mời Dế Jiminy quay lại cuộc chơi. Dế Jiminy có thể sẽ bắt đầu bằng vài triết lý dễ hiểu như tham lam là không tốt, thế giới không phân chia kẻ bán người mua, và chưa có ai, một mình, tự nâng mình lên được bằng cách kéo quai ủng, nếu bạn biến chút kiến thức vật lý bạn sẽ hiểu ý tôi. Jiminy có thể sẽ nhắc nhở rằng mọi người làm việc cho chúng ta bất kể là ai, từ nhân viên nhập liệu đến nhân viên dọn phòng, đều xứng đáng hưởng lương ở mức tôn trọng và xứng đáng. Chỉ đơn giản vậy thôi. Và Jiminy chắc sẽ thắc mắc làm sao cấp trên và nhân viên có thể có chút cảm thông nào đó cho nhau khi mà không gian làm việc của cả hai quá phân biệt đến mức dường như chẳng có gì lạ nếu giám đốc muốn có một nơi đặc biệt tốt để đậu xe, ăn uống hay đi vệ sinh hoặc quá thanh cao không thể cúi xuống nhặt một cọng rác. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều là con người cùng sống trên một hành tinh. Jiminy có thể sẽ bắt chúng ta chất vất một số giáo điều của mình. Liệu một CEO phải được trả lương ngang hoặc cao hơn những CEO khác hay điều này chỉ tạo ra cảm giác ganh đua để tăng mức lương này lên cao ngất ngưỡng? Cậu chắc sẽ thắc mắc liệu ban giám đốc có thật sự biết những điều cần biết khi họ không bao giờ mời nhân viên tuyến đầu dự các cuộc họp. Cậu chắc sẽ hỏi liệu có thứ gì đó gọi là quá nhiều tiền không. Hoặc cậu sẽ băn khoăn không biết chúng ta có thể tạo ra một lý tưởng chung với khách hàng, với nhân viên, với công ty, với cộng đồng, để tất cả chúng ta đoàn kết lại để định nghĩa lại khái niệm vô cùng hạn hẹp về mục tiêu thật sự của một công ty. Jiminy sẽ muốn chúng ta nhớ rằng không ai làm việc tách biệt, rằng tất cả những người điều hành công ty đang tích cực cùng tạo ra thực tại mà tất cả chúng ta phải sẻ chia. Và cũng như vấn đề nóng lên toàn cầu, chúng ta, mỗi người, đều chịu trách nhiệm cho hậu quả chung từ những quyết định và hành động cá nhân. Tôi tin rằng hệ sinh thái kinh doanh lợi nhuận nhất trong lịch sử thế giới có thể làm tốt hơn nữa. Tôi tin chúng ta có thể giảm chút triển vọng tăng, giảm bớt áp lực tốc độ lên tình hình hiện nay. Tôi tin rằng những thứ ta mất đi trong thời gian ngắn sẽ được đền đáp to lớn bằng một bức tranh phồn vinh về đạo đức, tinh thần và tài chính. Tôi biết ai hoài nghi sẽ nghĩ rằng, và đúng vậy, bạn không thể sống chết với nguyên tắc. Nhưng bạn cũng không thể sống chết với điểm cơ bản và con cái bạn cũng vậy. Tôi biết có thể tôi đã quá thần tượng ông nội. Ông làm việc trong nhiều thời kì rất khác nhau và đó là những thời kì không ai muốn trở lại vì tất cả mọi lý do chính đáng. Tôi biết là có nhiều CEO ngày nay cũng thiện chí và đàng hoàng như ông nội tôi trước đây nhưng họ đang làm việc ở thời đại với những kì vọng rất khác và hoàn cảnh khốc liệt hơn nhiều. Nhưng cũng may, kì vọng và hoàn cảnh là thứ được tạo ra và chúng cũng có thể không được tạo ra. Có rất nhiều thứ để học từ sự chính trực giản đơn như cái cách ông nội tôi hiểu về công việc của một CEO. Đằng sau mỗi công viên giải trí và mỗi con thú bông là một mớ nguyên tắc chi phối tất cả mọi thứ. Mỗi cá nhân đều xứng đáng được tôn trọng và phẩm giá. Không ai quá thanh cao đến nỗi không thể cúi xuống nhặt một cọng rác, và hãy luôn để lương tâm dẫn đường cho bạn. Chúng ta có thể sai đường hơn nếu không nghe lời dế Jiminy. Cảm ơn.