Vào thế kỷ thứ 13, Thành Cát Tư Hãn bắt tay thực hiện sứ mệnh chinh phục Á-Âu, nhanh chóng chế ngự và sáp nhập các nước vào Đế chế Mông Cổ. Với đội quân hùng hậu, ông gần như bất khả chiến bại. Nhưng, truyền thuyết kể rằng đã có một rào cản ngay cả Thành Cát Tư Hãn vĩ đại cũng không thể vượt qua: một bức tường băng hùng vĩ, được dân địa phương dựng ngang đèo để ngăn chặn quân đội Mông Cổ xâm chiếm lãnh thổ. Không ai biết tính xác thực của câu chuyện, nhưng rõ ràng, nó dựa trên một hiện tượng có thật: Trong nhiều thế kỷ, tại dãy Karakoram và Himalaya, con người đã tạo ra sông băng và sử dụng những khối băng tự chế này như nguồn nước uống và tưới tiêu. Nhưng trước khi nói đến hiện tượng thú vị này, cần hiểu được sự khác biệt giữa sông băng tự nhiên, và sông băng nhân tạo. Trong tự nhiên, cần có ba điều kiện để hình thành sông băng: tuyết rơi, nhiệt độ thấp và thời gian. Đầu tiên, nhiều tuyết rơi và tích tụ. Nhiệt độ thấp đảm bảo tuyết rơi chồng lên nhau và không tan qua mùa đông, xuân, hè và thu. Hàng năm, hàng thập kỷ, và hàng thế kỷ sau đó, áp lực của các lớp tuyết xếp chồng lên nhau khiến chúng biến thành băng có độ nén rất chặt. Sông băng nhân tạo lại hoàn toàn khác. Tại nơi giao nhau của ba dãy núi lớn: Himalaya, Karakoram, và Hindu Kush, nhiều nền văn hóa địa phương tin rằng sông băng có sự sống. Hơn nữa, chúng có thể có giới tính gồm cả đực và cái. Người tạo sông băng tạo ra sông băng mới bằng cách ghép hay kết hôn những mảnh băng từ những sông băng đực và cái, sau đó, phủ lên than, vỏ lúa mì, vải hoặc cành liễu để chúng có thể sinh sản. Dưới vỏ bọc bảo vệ này, những khối băng sẽ biến thành sông băng thực sự, phát triển thêm mỗi năm khi tuyết rơi. Sau đó, được sử dụng như nguồn dự trữ nước dài hạn để nông dân tưới cho cây trồng. Việc này đã lan rộng sang các nền văn hóa khác, người ta tạo ra sông băng riêng của họ, sử dụng chúng để giải quyết các vấn đề về nguồn nước. Lấy vùng sa mạc núi cao Ladakh ở Bắc Ấn làm ví dụ. Nằm trong khu vực khô hạn ở Himalaya, lượng mưa trung bình năm dưới mười centimet. Biến đổi khí hậu khiến sông băng bị thu hẹp, làm gia tăng sự khan hiếm nước trong khu vực. Vì vậy, dân địa phương bắt đầu tạo sông băng của riêng mình như biện pháp chống lại tình thế bấp bênh này. Những sông băng này được chia thành hai loại: ngang và dọc. Sông băng ngang hình thành khi nông dân dẫn nước băng tan vào các kênh và đường ống, sau đó, cẩn thận dẫn vào một loạt những hố trũng bằng đất đá. Dân làng kiểm soát kĩ càng lượng nước đưa vào các hồ chứa, chờ đợi từng lớp nước đóng băng trước khi thêm vào một lượng nước khác. Đầu xuân, những hồ chứa này bắt đầu tan chảy, cung cấp nước tưới cho các cánh đồng. Dân địa phương tạo ra sông băng dọc bằng cách dùng nước băng tan từ sông băng sẵn có nằm ở khu vực cao hơn làng của họ. Nước băng tan chảy vào các kênh dẫn xuống núi, đến các cánh đồng, nước phun ra từ ống hướng lên không trung. Khi nhiệt độ giảm vào mùa đông, nước phun ra từ ống sẽ đóng băng theo hình vòng cung tạc thành khối băng cao 50 mét gọi là tháp băng, có hình dạng như kem ốc quế ngược. Hình dáng đảo ngược này giúp giảm tối đa diện tích tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào mùa xuân và hè. Điều này đảm bảo các sông băng nhỏ sẽ tan chảy từ từ, và cung cấp nguồn nước ổn định cho cây trồng. Dù đã rất cũ, nhưng những phương pháp này dần trở nên thiết yếu khi biến đổi khí hậu đang tác động lên Trái đất. Thực tế, ngoài Ladakh, nhiều nơi đã tạo ra sông băng của riêng mình. Người Thụy Sĩ, dùng công nghệ hiện đại, tạo ra tháp băng đầu tiên trên dãy Alps, Thụy Sĩ. Hơn 100 dự án tạo sông băng tại các ngôi làng ở Pakistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Có lẽ ngày nào đó, ta có thể tích tụ đủ nhiều những sông băng nhỏ để xây nên cả một bức tường băng, lần này, không phải để chặn kẻ thù, mà để giúp sự sống sinh sôi tại những nơi khắc nghiệt nhất.