Có thể bạn đã từng nghe kinh Koran có nhắc đến ý niệm về một thiên đường với 72 thiếu nữ đồng trinh. Tôi hứa mình sẽ quay lại câu chuyện này sau. Nhưng thực tế, ngay tại miền tây bắc này, chúng ta đang sống rất gần với một thiên đường thật sự của kinh Koran một thiên đường được định nghĩa 36 lần với "những dòng suối chảy róc rách qua các khu vườn." Điều này hoàn toàn chính xác với tôi vì tôi đang sống trong một ngôi nhà thuyền ở hồ Union. Nhưng vì sao phần lớn mọi người không biết điều đó? Tôi có quen nhiều người không theo đạo Hồi, nhưng họ rất có thiện ý tìm đọc kinh Koran nhưng sau đó họ đều từ bỏ vì sự khác biệt của kinh Koran làm họ lúng túng và bối rối. Ngay cả nhà sử học Thomas Carlyle người đã ví Muhammad như một trong những anh hùng vĩ đại nhất của thế giới, đã nhắc đến kinh Koran "như một quyển sách gai góc nhất mà tôi từng đọc, một mớ bòng bong, một công việc thật sự vất vả." (Cười) Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề một phần nằm ở cách thức chúng ta đọc kinh Koran như đọc một quyển sách thông thường - Chúng ta cuộn tròn người trong một chiều mưa, với một bát bỏng ngô ngay bên cạnh, như thể Chúa trời và nghe kinh Koran từ lời của Chúa nói với ngài Muhammad cũng chỉ là một tác giả có sách bán chạy nhất. Chính thực tế rằng có rất ít người thật sự đọc kinh Koran đã lý giải vì sao người ta dễ nhầm lẫn và hiểu sai kinh Koran. Những cụm từ và đoạn trích bị đưa ra khỏi ngữ cảnh mà tôi cho là rất quan trọng trong mỗi bản dịch vốn dĩ được cả các tín đồ Hồi giáo và chống Hồi giáo ủng hộ. Vì vậy, vào mùa xuân này, khi bắt đầu viết một cuốn tiểu sử về Muhammad, tôi nhận ra mình cần phải đọc kinh Koran một cách đúng đắn - càng đúng đắn càng tốt. Bởi vì tiếng Ả rập hiện giờ của tôi đã sút giảm nên tôi cần dùng đến từ điển. Vậy là tôi đã dùng 4 bản dịch nổi tiếng và đọc cả 4 cùng một lượt, từng câu, từng chữ cùng với một bản chuyển tự và nguyên bản kinh Koran bằng tiếng Ả rập từ thế kỷ thứ 7. Lúc ấy tôi có một lợi thế. Khi viết quyển sách về câu chuyện đằng sau sự chia tách Shia-Sunni tôi đã nghiên cứu về lịch sử Hồi giáo từ thưở sơ khai nhất vì vậy tôi biết các sự kiện được nhắc đến trong kinh Koran, và cả bối cảnh của câu chuyện đó. Kiến thức mà tôi góp nhặt được đủ để tôi biết rằng mình chỉ là một du khách dạo qua kinh Koran - dù là người có am hiểu, có kinh nghiệm đi chăng nữa, thì vẫn chỉ là người đứng bên lề, một người Do Thái theo thuyết bất khả tri, đang đọc kinh thánh của một tín đồ không cùng tôn giáo. (Cười) Vì vậy tôi đã đọc từ từ, chầm chậm. (Cười) Lúc đầu tôi định dành 3 tuần cho công việc này, nhưng hoá ra đó lại là điều bất khả thi. (Cười) Bởi vì cuối cùng tôi mất đến 3 tháng để hoàn thành. Tôi đã phải cật lực chống lại cái ý tưởng nhảy qua những chương cuối sách để đọc vì chúng ngắn hơn và ít huyền bí hơn. Nhưng cứ mỗi lần tôi nghĩ mình bắt đầu hiểu tường tận về kinh Koran - thì cái cảm giác "Tôi nắm bắt được rồi" - lại nhanh chóng biến mất. Và mỗi sáng tôi tự hỏi liệu mình có đang bị lạc trong một vùng đất lạ hay không dù rằng cảnh vật rất đỗi quen thuộc. Người ta cho rằng kinh Koran được dùng để chuyển tải thông điệp của pháp điển và sách Phúc Âm theo cách mới mẻ hơn. Vì vậy 1/3 quyển sách kể về các nhân vật trong Kinh thánh như Abraham, Moses, Joseph, Mary, Jesus. Riêng hình ảnh Thượng đế thì rất mực quen thuộc thông qua hình ảnh hiện thân trước đó của Người - Đức Yahweh, người luôn cổ xuý thuyết Độc thần. Sự hiện diện của lạc đà, đồi núi, giếng nước trong sa mạc, sông suối đã đưa tôi quay về năm tháng lang thang qua sa mạc Sinai. Và rồi chính ngôn từ, ngữ điệu nhịp nhàng, lại nhắc tôi nhớ về những buổi chiều lắng nghe các bậc cao niên trong tộc người Bedouin ngâm thơ hàng giờ liền, những bài thơ hoàn toàn từ trong trí nhớ của họ. Và tôi bắt đầu hiểu vì sao người ta nói kinh Koran chỉ thật sự là kinh Koran khi được đọc bằng tiếng Ả rập. Ví dụ như Faatihah, câu thứ 7 trong chương mở đầu nói về sự hợp nhất lời cầu nguyện của Chúa và lời cầu nguyện Shema Israel của đạo Hồi Nó chỉ gồm 29 từ trong tiếng Ả rập, nhưng lại vào khoảng 65 đến 72 từ khi chuyển ngữ. Và khi càng thêm từ vào trong bản dịch thì ta càng bị lạc lối. Tự thân tiếng Ả rập là một sự nhiệm màu kỳ bí gần như một sự thôi miên khiến cho chúng ta phải lắng nghe hơn là tìm đọc, thấu cảm hơn là phân tích. Chúng ta phải hát vang lên để cảm nhận thanh âm của nó đang vang vọng trong vành tai và trên đầu lưỡi mình. Chính vì thế, bản dịch Koran bằng tiếng Anh như thể chỉ là cái bóng của chính nó, hay như Arthur Arberry đã gọi bản dịch của ông là "một sự diễn dịch." Nhưng không phải tất cả đều bị mất đi khi chuyển ngữ. Kinh Koran có nhắc rằng ai kiên nhẫn sẽ được tưởng thưởng cùng với nhiều bất ngờ - ví dụ như vấn đề nhận thức về môi trường và rằng ý niệm con người chỉ là người quản lý những tạo vật của Thượng đế, là những điều chưa từng được nhắc đến trong Kinh thánh. Và nếu như Kinh thánh chỉ dành riêng cho nam giới, bằng cách dùng ngôi nam thứ 2 và thứ 3, thì kinh Koran dành cả cho nữ giới - ví dụ như - kinh Koran nhắc đến tất cả những tín đồ, cả nam và nữ - những người đàn ông và những người phụ nữ được tôn kính. Hoặc lấy ví dụ đoạn thơ nổi tiếng về cuộc tàn sát những người ngoại đạo. Kinh Koran có nhắc đến điều đó nhưng trong một bối cảnh cụ thể: đó là cuộc chinh phục thánh địa Mecca tôn nghiêm nơi người ta nghiêm cấm các cuộc giao tranh, ẩu đả, chỉ trừ khi buộc phải làm thế. Bạn không được phép giết người ngoại đạo tại Mecca trừ khi thứ nhất, sau khi thời gian ân hạn đã chấm dứt mà không còn hiệp ước nào khác và chỉ khi những người này cố ngăn cản bạn đi đến đền thờ Kaaba và họ tấn công bạn trước. Thậm chí nếu như trong trường hợp đó - Thượng đế cũng nhân từ với họ, vì khoan dung là điều cao cả nhất - vì vậy, tốt hơn là bạn đừng giết họ. (Cười) Có lẽ ngạc nhiên lớn nhất - là khi ta thấy được kinh Koran linh hoạt, uyển chuyển đến thế nào, ít nhất là trong mắt những người không quá cứng nhắc, bảo thủ. Kinh Koran nói rằng, "Một số câu thơ hiển lộ ý nghĩa rõ ràng, và một số khác thì không. Đối với những người ngoan cố họ sẽ lợi dụng tính đa nghĩa của các câu thơ để gây ra mối bất hoà bằng cách suy diễn ý nghĩa theo ý muốn của riêng họ. Chỉ có Thượng đế mới biết được ý nghĩa thật sự." Cụm từ "Thượng đế tế vi" được lập lại hết lần này đến lần khác. Quả thật, toàn thể kinh Koran là một sự tinh tế vượt xa những gì phần đông chúng ta có thể hiểu được. Ví dụ như câu chuyện nho nhỏ ban đầu về các cô gái đồng trinh và thiên đường. Ta quay lại ý niệm Đông phương cổ xưa. Từ được lập lại 4 lần ở đây là Houris, được chuyển nghĩa là những thiếu nữ mắt đen láy với bộ ngực căng mọng, hay những trinh nữ rất mực xinh đẹp. Tuy nhiên, trong nguyên bản kinh Koran bằng tiếng Ả rập chỉ có từ Houris. Chẳng ai có thể thấy một bộ ngực cao hay căng mọng nào trên thực tế cả. (Cười) Đây có thể chỉ là một cách nói về những tạo vật thuần khiết - những thiên thần - hoặc giống như hai bức tượng Kouros và Kórẽ của Hy Lạp, một biểu tượng của tuổi trẻ vĩnh hằng. Nhưng không ai có thể biết sự thật, và đó chính là điểm mấu chốt. Bởi vì kinh Koran có nói khá rõ rằng bạn sẽ là một tạo vật mới trên thiên đường" rằng bạn sẽ được "tái sinh trong một hình hài mà bạn không hề biết," Điều này còn lôi cuốn tôi hơn là một thiếu nữ đồng trinh. (Cười) Và con số 72 sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Bởi vì 72 thiếu nữ đồng trinh không hề tồn tại trong kinh Koran. Ý niệm này chỉ xuất hiện sau đó 300 năm, khi các học giả Hồi giáo nhìn nhận nó tương đương với hình ảnh những con người với đôi cánh ngồi trên mây và gảy đàn hạc. Thiên đường là nơi hoàn toàn ngược lại. Không phải là nơi của sự tinh khôi, mà là chốn phồn thực, màu mỡ, sung túc, là những khu vườn được tưới mát bởi những dòng suối róc rách. Cảm ơn. (Vỗ tay)