Vào một buổi chiều mùa hè năm 2013, cảnh sát Washington đã giữ, thẩm vấn và khám xét một người có biểu hiện đáng ngờ và tiềm ẩn nguy hiểm. Thực sự tôi không ăn mặc như thế này vào hôm tôi bị bắt nhưng tôi cũng có ảnh ngày hôm đó. Một trải nghiệm kinh khủng, nên tôi cố giữ bình tĩnh. (Cười) Tại thời điểm đó, tôi đang làm thực tập tại văn phòng Dịch vụ Luật sư Công ở Washington DC, hôm đó tôi đến đồn cảnh sát có việc. Tôi đang đi ra, chưa kịp vào xe thì hai chiếc xe cảnh sát ập đến chặn đường tôi, và một cảnh sát đến từ sau tôi. Anh ta bảo tôi dừng lại, tháo ba lô ra, và đặt hai tay lên xe cảnh sát đang ở gần. Rồi gần chục cảnh sát vây quanh hai chúng tôi. Tất cả họ đều có súng lục, vài người có súng trường. Họ lục ba lô của tôi. Họ soát người tôi. Họ chụp ảnh tôi đang dang mình trên xe cảnh sát, rồi họ cười. Khi mọi thứ này diễn ra -- khi tôi trong xe cảnh sát cố lờ đi cái chân run lẩy bẩy, cố bình tĩnh suy nghĩ xem mình nên làm gì -- có gì đó cứ bám lấy tôi rất lạ. Khi tôi nhìn mình trong bức ảnh này, nếu phải miêu tả chính mình, chắc tôi sẽ nói là, "Đàn ông, người Ấn Độ, 19 tuổi, mặc áo thun màu sáng, đeo kính." Nhưng họ chẳng nói bất cứ gì giống như vậy cả. Trên radio cảnh sát, khi mô tả tôi, họ cứ nói: "Đàn ông, người Trung Đông, mang ba lô. Đàn ông, người Trung Đông, mang ba lô." Lời mô tả này cũng được đưa vào báo cáo cảnh sát của họ. Tôi chưa từng nghĩ rằng sẽ được chính phủ của mình mô tả bằng những từ này: "rình mò", "nham hiểm", "khủng bố". Và vụ bắt giữ diễn ra theo hướng này. Họ cho chó nghiệp vụ tìm chất nổ khắp khu vực tôi đã có mặt. Họ gọi chính quyền liên bang để xem tôi có thuộc diện bị theo dõi. Họ cử một số thanh tra vặn hỏi rôi rằng, nếu tôi nói tôi không có gì phải giấu, thì tại sao lại không cho lục soát xe. Tôi nhìn là biết họ không ưa tôi rồi, nhưng không cách gì tôi biết được họ muốn làm gì tiếp theo. Có thời điểm, viên cảnh sát soát người tôi kiểm tra bên hông đồn cảnh sát để tìm máy quay an ninh để coi máy quay đã ghi lại được những gì. Và khi anh ta làm thế, tôi hiểu ngay mình đã nằm gọn trong tay họ rồi. Tôi nghĩ tất cả chúng ta ngay từ nhỏ đều đã quen với hình ảnh cảnh sát, bắt giữ và còng tay, nên rất dễ quên rằng hành động cướp quyền kiểm soát cơ thể người khác mang tính hèn hạ và áp đặt đến mức nào. Nghe có vẻ như ý chính của câu chuyện này là việc tôi đã bị đối xử tệ ra sao vì sắc tộc mình, cũng đúng, tôi nghĩ tôi sẽ không bị bắt nếu tôi là người da trắng. Nhưng thực ra, điều tôi muốn nói hôm nay là chuyện khác. Đó là, sự việc sẽ có thể tệ hơn đến mức nào nếu tôi không giàu có. Ý tôi là, họ nghĩ tôi có thể đang mưu tính đặt bom, và họ điều tra khả năng đó suốt một tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng tôi không bao giờ bị còng tay, cũng không bao giờ bị tống giam. Tôi nghĩ nếu tôi sống ở mấy khu nghèo của người da màu ở Washington DC, và họ nghĩ tôi đang đe dọa mạng sống của cảnh sát, mọi chuyện chắc có kết cục khác. Đúng vậy, trong hệ thống này, tôi nghĩ thà chúng ta làm người giàu bị tình nghi có ý định nổ bom đồn cảnh sát còn hơn làm người nghèo bị tình nghi vì những chuyện nhỏ hơn thế này rất nhiều. Tôi muốn lấy một ví dụ từ công việc hiện tại của tôi. Hiện tôi đang làm việc cho một tổ chức nhân quyền ở DC, tên là Equal Justice Under Law. Để bắt đầu, tôi xin hỏi mọi người câu này. Bao nhiêu người ở đây đã từng bị dính vé phạt đỗ xe? Xin giơ tay. Tôi cũng bị rồi. Khi phải trả tiền phạt, tôi thấy bực bội và rất tồi tệ, nhưng rồi tôi cũng trả, rồi cho qua. Tôi đoán hầu hết mọi người cũng trả tiền phạt như tôi. Nhưng sẽ ra sao nếu bạn không có đủ tiền nộp phạt và gia đình bạn cũng không có tiền để nộp, vậy sẽ thế nào? Có một điều lẽ ra không nên xảy ra khi có luật pháp là, người ta lẽ ra không nên bị bắt và bỏ tù chỉ vì không có đủ tiền nộp phạt. Vậy là sai theo luật liên bang. Nhưng chính quyền địa phương trên cả nước đang làm như vậy với người nghèo. Rất nhiều vụ kiện tụng ở Equal Justice Under Law nhằm vào các nhà tù dành cho người thiếu nợ thời hiện đại. Có một vụ kiện nhằm vào thành phố Ferguson, bang Missouri. Tôi biết khi nói đến Ferguson, nhiều người sẽ nghĩ đến nạn bạo lực cảnh sát. Nhưng hôm nay tôi muốn nói về một khía cạnh khác của mối quan hệ giữa lực lượng cảnh sát và người dân. Ferguson ban hành trung bình hơn hai lệnh bắt giữ trên một người, trên một năm, đa số là vì chưa trả nợ cho tòa án. Khi tưởng tượng tới cảnh mỗi khi ra khỏi nhà, tôi luôn có thể bị cảnh sát kiểm tra biển số xe, xem lệnh bắt vì chưa trả nợ, tóm người tôi như hồi ở DC rồi sau đó tống tôi vào xà lim, tôi thấy như muốn bệnh. Tôi đã gặp rất nhiều người ở Ferguson từng trải qua chuyện này, và tôi đã nghe một vài người tâm sự. Ở nhà tù Ferguson, trong mỗi phòng giam nhỏ chỉ có 1 giường tầng và 1 nhà vệ sinh, nhưng họ lại nhét tận bốn người một phòng. Nên sẽ có hai người ngủ trên giường và hai người ngủ dưới sàn, họ chẳng có nơi nào để đi ngoài nhà vệ sinh bẩn thỉu cạnh đó, không bao giờ chùi dọn. Thực ra không bao giờ họ vệ sinh phòng giam, nên sàn nhà và tường dính đầy máu và dịch nhầy. Không có nước uống, ngoài nước chảy từ vòi nối với nhà vệ sinh. Nước có màu và vị rất kinh, không bao giờ có đủ thức ăn, không được tắm, phụ nữ đến kì kinh nguyệt cũng không có đồ vệ sinh, không có bất kì chăm sóc y tế nào. Khi tôi hỏi một phụ nữ về chăm sóc y tế, cô ấy cười và nói: "Ôi làm gì có. Quan tâm duy nhất anh có được từ cai ngục ở đó là tình dục." Họ tống những người mắc nợ vào nơi như vậy và bảo: ''Chúng tôi sẽ không thả các người ra cho đến khi các người trả hết nợ." Nếu bạn có thể liên lạc với một người trong gia đình có thể xoay sở thế nào đó được một số tiền, may ra bạn mới được tự do. Nếu có đủ tiền thì bạn được thả. Còn nếu không thì bạn cứ ở đó vài ngày hoặc vài tuần, và mỗi ngày, cai tù sẽ đến tận phòng giam và mặc cả giá của tự do cho hôm ấy với những người thiếu nợ. Bạn sẽ ở đó cho đến một lúc nhà giam hết chỗ chứa, và họ muốn đưa người mới vào. Lúc đó họ sẽ nghĩ rằng, "Thôi được, người này coi bộ khó xoay ra tiền, còn người mới chắc là có tiền đây." Bạn ra, họ vào, và cỗ máy cứ thế mà hoạt động. Cách đây 9 năm, tôi có gặp một người đàn ông bị bắt vì ăn xin ở hiệu thuốc Walgreens. Ông ta không thể trả tiền phạt cũng như án phí cho vụ đó. Khi còn nhỏ, nhà bị cháy nhưng ông sống sót, nhờ ông đã nhảy ra khỏi cửa số tầng ba để thoát nạn. Nhưng cú nhảy đó đã làm ông bị chấn thương não và nhiều bộ phận khác trên cơ thể, trong đó có chân. Mất khả năng lao động, ông dựa vào tiền trợ cấp an sinh xã hội để tồn tại. Lúc tôi đến gặp ông tại căn hộ, chẳng có đồ gì giá trị, thức ăn trong tủ lạnh cũng không. Ông đói quanh năm. Ông không có đồ gì đáng giá trong nhà ngoại trừ một tấm bìa các tông nhỏ có tên của những đứa con do tự tay ông viết. Ông rất quý nó. Ông hớn hở khoe nó với tôi. Nhưng ông không trả nổi tiền phạt và án phí vì chẳng có gì để trả. Trong 9 năm qua, ông đã bị bắt 13 lần, và ngồi tù tổng cộng 130 ngày vì vụ ăn xin đó. Có lần ông bị giam suốt 45 ngày. Thử tưởng tượng cảnh bị nhốt từ giờ cho đến tháng 6 trong cái nơi mà tôi vừa tả cho bạn vài phút trước mà xem. Ông kể tôi nghe về những vụ cố gắng tự tử ông chứng kiến trong nhà giam Ferguson; về cái lần có người tìm cách tự treo cổ mình ngoài tầm với của những bạn tù, thế nên tất cả những gì họ có thể làm là hét, hét và hét, để cố gắng làm cai ngục chú ý để họ xuống cắt dây cho người này. Và ông kể rằng mãi hơn năm phút đám cai tù mới phản ứng, và khi họ đến thì người đàn ông đã bất tỉnh. Thế là họ gọi nhân viên y tế và nhân viên y tế đến phòng giam. Họ nói: "Ông ấy sẽ ổn", rồi họ cứ thế để ông ta nằm trên sàn. Tôi đã nghe nhiều chuyện như vậy, nên không lấy làm ngạc nhiên gì, vì tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các nhà tù địa phương. Nó có liên quan đến việc thiếu chăm sóc y tế tâm thần trong tù. Tôi gặp một người, là mẹ đơn thân có 3 con, kiếm được 7 đô la 1 giờ. Cô sống nhờ phiếu thực phẩm để nuôi mình và các con. Chừng 10 năm trước, cô lĩnh vài vé phạt giao thông và một án tội ăn trộm vặt, mà lại không thể trả tiền phạt và án phí cho những vụ đó. Kể từ đó, cô bị tống giam khoảng 10 lần vì những vụ đó; vì bị tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực nên cô cần phải uống thuốc mỗi ngày. Ở nhà tù Ferguson, cô ta không được uống thuốc, vì chẳng ai được uống thuốc cả. Cô ta kể với tôi rằng lúc đó giống như sống trong chuồng suốt hai tuần liền, gặp ảo giác về người và bóng, nghe thấy những giọng nói, cầu xin được uống thuốc để chấm dứt những ảo giác đó nhưng chẳng ai ngó tới. Có điều này cũng không bất thường: 30% số phụ nữ trong các nhà tù địa phương gặp vấn đề tâm thần nghiêm trọng giống như cô ta, nhưng chỉ có một trong sáu người nhận sự chăm sóc tâm thần khi ở tù. Vậy đấy, tôi đã nghe bao câu chuyện về sự giam cầm đáng kinh tởm mà Ferguson đang làm với các tù nhân, và cho đến khi tôi tận mắt chứng kiến điều đó lúc đến thăm nhà tù Ferguson, tôi không biết mình sẽ thấy gì, nhưng tôi cũng không nghĩ mình sẽ thấy cảnh này. Chỉ là một khu cơ quan bình thường, có thể là bưu điện hoặc trường học. Nó làm tôi nghiệm ra rằng những hình thức làm tiền phi pháp này không phải được thực hiện một cách lén lút, mà được tiến hành công khai bởi những viên chức. Họ ảnh hưởng đến chính sách công. Điều này làm tôi nhớ rằng giam giữ người nghèo nói chung, ngay cả bên ngoài bối cảnh nhà tù giam con nợ, vẫn đóng vai trò chủ đạo rõ rệt trong hệ thống tư pháp của chúng ta. Tôi muốn nói về chính sách bảo lãnh ở Hoa Kì. Đối với thể chế này, dù bạn bị bắt hay bạn tự do, quá trình chờ xét xử không phản ánh bạn nguy hiểm đến mức nào hay khả năng bạn bỏ trốn, mà là vấn đề liệu bạn có thể trả tiền bảo lãnh hay không. Bill Cosby buộc phải trả một triệu đôla tiền bảo lãnh, ông ta lập tức kí séc và chẳng hề ở tù đến một giây; còn Sandra Bland thì chết trong tù và cô ta ở tù vì gia đình cô không kiếm nổi 500 đôla để bảo lãnh cô. Thực tế là có đến nửa triệu Sandra Blands trên khắp đất nước này -- nửa triệu người lúc này đang ngồi tù chỉ vì họ không lo nổi khoản tiền bảo lãnh. Chúng ta đều biết nhà tù là nơi giam giữ tội phạm, nhưng về mặt thống kê thì không phải vậy: 3/5 số người ngồi tù là những người đang trong quá trình chờ xét xử. Những người này chưa bị kết tội, và họ cũng không nhận tội. Ngay tại San Francisco, 85% số tù nhân ngồi sau song sắt ở San Francisco là những người bị giam chờ xét xử. Điều này có nghĩa là San Francisco đang dành khoảng 80 triệu đôla mỗi năm cho việc giam giữ chờ xét xử. Nhiều người trong số những người ở tù chỉ vì không thể trả tiền bảo lãnh chỉ đối mặt với những cáo buộc nhẹ đến mức thời gian chờ xét xử của họ còn dài hơn mức án họ phải nhận nếu bị kết tội; điều đó có nghĩa là họ chắc chắn sẽ sớm ra tù nếu họ chỉ việc nhận tội. Vậy lựa chọn sẽ là: "Liệu tôi nên bị giam tại nơi kinh khủng này, xa gia đình và những người nhờ cậy vào tôi, gần như chắc chắn sẽ mất việc, và sau đó kháng án?", hay là "Tôi cứ nhận tội theo ý muốn của bên công tố, rồi sau đó ra tù?" Vào lúc đó, họ là người bị giam chờ xử, không phải tội phạm; nhưng một khi họ nhận tội, chúng ta sẽ gọi họ là tội phạm, dù những người có tiền sẽ chẳng bao giờ lâm vào tình cảnh đó, vì những người có tiền đơn giản sẽ được tại ngoại. Đến lúc này, các bạn có thể đang băn khoăn, "Gã này đang làm gì trong một chương trình tạo cảm hứng vậy -- (Tiếng cười) "Thật đáng thất vọng. Tôi muốn hoàn lại tiền." (Tiếng cười) Nhưng thực tế thì... ... tôi thấy rằng nói về việc giam giữ đỡ chán hơn nhiều so với chuyện khác, bởi tôi nghĩ nếu ta không nói về những vấn đề này và cùng nhau thay đổi cách nghĩ về việc giam giữ, thì đến cuối cuộc đời, ta vẫn có nhiều nhà tù đầy người nghèo vốn không đáng phải ở tù. Điều đó thực làm tôi phiền lòng. Dù vậy, tôi hào hứng với ý nghĩ rằng những chuyện này có thể khiến ta nghĩ việc giam giữ dưới các khía cạnh khác. Không phải khía cạnh khô khan quan liêu như "cách li tập thể" hay "giam giữ tội phạm phi bạo lực", mà là ở tính nhân văn. Khi ta nhốt một người vào rọ trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm, ta đang làm gì với tinh thần và thể xác người ấy? Với điều kiện kiện nào thì chúng ta mới sẵn sàng làm vậy? Và nếu bắt đầu với cỡ 100 người trong phòng này, chúng ta có thể nghĩ về việc giam giữ dưới góc độ khác này, sau đó ta sẽ thay đổi cái điều bình thường tôi đề cập lúc đầu. Tôi hi vọng giúp các bạn có suy nghĩ rằng nếu ta muốn bất kì thứ gì thay đổi triệt để -- không đơn thuần chỉ là cải cách chính sách bảo lãnh, phạt và phí -- mà còn phải đảm bảo mọi chính sách thay thế đều không làm khó tầng lớp nghèo và ngoài lề theo một kiểu mới. Nếu chúng ta muốn sự thay đổi này, thì suy nghĩ của từng người cũng phải đổi thay. Cảm ơn các bạn. (Vỗ tay)