Khoảng hai năm về trước, tôi nhận được một cuộc gọi quan trọng. "Này, là anh họ Hassen của cậu đây." Tôi khựng lại. Tôi có hơn 30 anh em họ gần, nhưng không biết ai tên Hassen cả. Hoá ra Hassen là anh họ của mẹ tôi, vừa đến Montreal như một người tị nạn. Vài tháng sau đó, có thêm ba người họ hàng của tôi đến Canada xin tị nạn với không gì nhiều ngoài quần áo đang mặc. Hai năm sau cuộc gọi đó, cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi rời học viện và giờ đang dẫn dắt đội ngũ gồm kỹ thuật viên, nhà nghiên cứu, và dân tị nạn để phát triển hỗ trợ tuỳ chỉnh cho người tị nạn mới. Chúng tôi muốn giúp họ vượt qua rào cản ngôn ngữ, văn hoá và những thứ khác, khiến họ cảm thấy như bị mất kiểm soát trong cuộc sống. Chúng tôi thấy rằng AI có thể giúp khôi phục quyền lợi và nhân phẩm mà nhiều người tị nạn đã đánh mất khi tìm kiếm sự giúp đỡ. Câu chuyện tị nạn của gia đình tôi không có gì đặc biệt. Theo UNHCR, cứ mỗi phút lại có 20 người tị nạn bởi thay đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và bất ổn xã hội và chính trị. Khi tình nguyện ở một nhà trú ẩn YCMA địa phương nơi anh họ Hassen của tôi và những họ hàng khác được gửi đến, chúng tôi đã nhận thấy tái định cư đòi hỏi nhiều nỗ lực và sắp đặt. Khi vừa tới, bạn phải tìm một luật sư, điền giấy tờ pháp lí trong vòng hai tuần. Bạn cũng cần thu xếp kiểm tra sức khoẻ với một bác sĩ được uỷ quyền để có thể đăng kí xin giấy phép lao động. Và bạn cần tìm được chỗ ở trước khi nhận được bất kì trợ giúp xã hội nào. Với hàng ngàn người chạy khỏi Mỹ để đến tị nạn ở Canada trong vài năm vừa qua, chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng có nhiều người cần giúp đỡ hơn nguồn lực sẵn có. Dịch vụ xã hội không mở rộng quy mô một cách nhanh chóng ngay cả khi cộng đồng cố gắng để giúp đỡ nhiều người hơn với số tài nguyên hạn chế, những người mới đến phải chờ lâu hơn trong bất lực, không biết nơi nào để đi. Ví dụ như ở Montreal, dù đã có hàng triệu đô la được chi cho những nỗ lực tái định cư, gần 50 phần trăm số người mới đến vẫn không biết rằng có những tài nguyên miễn phí giúp họ nhiều thứ từ điền giấy tờ đến tìm việc làm. Thách thức ở đây không phải là những thông tin này không tồn tài. Ngược lại, những người cần trợ giúp thường bị ngợp bởi quá nhiều thông tin và không thể hiểu hết tất cả. "Đừng đưa thông tin nữa, hãy nói tôi phải làm gì," là câu nói mà chúng tôi nghe đi nghe lại rất nhiều lần. Và nó phản ánh việc giữ bình tĩnh là khó khăn đến mức nào khi bạn vừa đặt chân đến một đất nước mới. Trời, tôi đã vật lộn với cùng một vấn đề khi đến Montreal và tôi có bằng tiến sĩ. (Tiếng cười) Một thành viên của đội và cũng là người tị nạn đã nói: "Ở Canada, thẻ SIM còn quan trọng hơn thức ăn, vì chúng tôi sẽ không chết vì đói." Nhưng có được tài nguyên và thông tin đúng đắn có thể tạo khác biệt sống còn. Tôi sẽ lặp lại một lần nữa: Có được tài nguyên và thông tin đúng đắn có thể tạo khác biệt sống còn. Để có thể giải quyết vấn đề này, chúng tôi tạo nên Atar, chương trình được vận hành bởi AI (trí tuệ nhân tạo) đầu tiên hướng dẫn bạn từng bước qua tuần đầu tiên ở một thành phố mới. Chỉ cần nói bạn cần giúp đỡ những gì. Atar sẽ hỏi bạn một vài câu cơ bản để hiểu được hoàn cảnh riêng của bạn và quyết định xem liệu bạn có đủ điều kiện nhận trợ giúp. Ví dụ: Bạn có nơi để ở tối nay? Nếu không, liệu bạn có muốn một nơi trú chỉ dành cho nữ? Bạn có con cái không? Atar sẽ tạo một danh sách cần làm dành riêng cho bạn nói cho bạn biết tất cả những gì bạn cần, từ đi đâu, đến đó thế nào, cần đem gì và những gì có thể xảy ra Bạn có thể đặt câu hỏi bất kì lúc nào, và nếu Atar không có câu trả lời, bạn sẽ được kết nối với một người thật mà có thể giải đáp. Nhưng điều thú vị nhất là chúng tôi giúp đỡ những tổ chức và dịch vụ nhân đạo thu thập dữ liệu và phân tích cần để hiểu sự thay đổi trong nhu cầu của người mới đến trong thời gian thực. Đó là một bứt phá. Chúng tôi hợp tác với UNHCR để cung cấp công nghệ này ở Canada, và đã tiến hành nhiều chiến dịch bằng tiếng Ả rập, Anh, Pháp, Creole, và Tây Ban Nha. Khi nói về vấn đề của dân tị nạn, chúng ta thường tập trung vào thống kê chính thức của 65.8 triệu người tị nạn trên toàn thế giới. Nhưng thực tế là có nhiều hơn thế. Đến năm 2050, sẽ có thêm 140 triệu người có nguy cơ phải bỏ xứ vì suy thoái môi trường. Và hôm nay, chính hôm nay, có gần một tỷ người đang sống trong những khu tái định cư và khu ổ chuột trái phép. Tái định cư và hội nhập là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại và ta hy vọng Atar có thể mang đến trợ giúp cho mỗi một người tị nạn. Ta hy vọng Atar có thể khuếch đại những nỗ lực có sẵn và giảm bớt gánh nặng cho tấm lưới an toàn xã hội vốn đã bị kéo căng quá mức cho phép. Nhưng điều quan trọng nhất với chúng tôi là nó giúp khôi phục quyền lợi và phẩm giá mà người tị nạn bị mất đi trong quá trình tái định cư và hội nhập bằng cách cho họ những tài nguyên cần để giúp chính mình. Xin cảm ơn. (Vỗ tay)