Trái đất đã 4,6 tỷ năm tuổi nhưng đời người thường chỉ kéo dài dưới 100 năm. Vậy sao lại phải quan tâm đến lịch sử hành tinh này khi quá khứ xa vời có vẻ không quan trọng gì tới đời sống nhật tại? Thì theo như những gì chúng ta biết, Trái đất là hành tinh duy nhất trong hệ mặt trời được biết đến là hành tinh đã khơi mào sự sống, và là hệ thống duy nhất có thể cung cấp hỗ trợ sự sống cho con người. Vậy tại sao là Trái Đất? Chúng ta biết Trái đất là duy nhất vì nó có kiến tạo mảng, có nước lỏng trên bề mặt và có khí quyển giàu ôxy. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng, ta biết được là nhờ những cổ thạch đã lưu lại các thời khắc then chốt trong quá trình tiến hóa hành tinh của Trái đất. Và một trong những nơi tốt nhất để quan sát những cổ thạch đó là vùng Pilbara thuộc Tây Úc. Đá nơi đây có niên đại là 3,5 tỷ năm và chúng chứa những bằng chứng cổ nhất về sự sống trên hành tinh này. Thường khi nghĩ tới thời tiền sử chúng ta có thể tưởng tượng ra một con khủng long phiến sừng hoặc có thể là một con cá đang bò trên cạn. Nhưng thời tiền sử mà tôi đang nói đến là sự sống vi mô đơn giản, như vi khuẩn. và hoá thạch của chúng thường được lưu giữ trên các cấu trúc đá chia lớp, có tên là đá Stromatolite. Dạng sống đơn giản này gần như là toàn bộ những gì ta thấy trong di tích hóa thạch trong ba tỷ năm đầu tiên của sự sống trên Trái đất. Dấu tích loài người chúng ta phát hiện trong di tích hóa thạch chỉ cách đây vài trăm nghìn năm trước. Từ di tích hóa thạch chúng ta biết sự sống của vi khuẩn đã chiếm một chỗ đứng vững chắc khoảng 3,5 đến 4 tỷ năm trước. Đá có trước thời gian này đều đã bị phá hủy hoặc bị biến dạng rất nhiều do kiến tạo mảng. Vậy mảnh vẫn còn thiếu của bài toán là sự sống trên Trái đất đã bắt đầu chính xác khi nào và bằng cách nào. Đây vẫn là phong cảnh núi lửa cổ xưa ở Pilbara. Tôi không ngờ nghiên cứu tại đây của chúng tôi lại cung cấp manh mối khác cho câu hỏi về nguồn gốc của sự sống đó. Trong chuyến đi thực địa đầu tiên tại đây để hoàn thành dự án vẽ bản đồ kéo dài nguyên cả tuần, tôi đã tình cờ bắt gặp một thứ khá đặc biệt. Giờ đây, những gì nhìn có vẻ chỉ là một đống đá cổ nhăn nheo lại chính là Stromatolite. Và ở giữa đống đá này là một hòn đá nhỏ kỳ lạ to cỡ bàn tay của một đứa trẻ. Phải sáu tháng sau đó chúng tôi mới nghiên cứu hòn đá này dưới kính hiển vi, nhờ cố vấn lúc đó của tôi là Malcom Walter đã gợi ý rằng hòn đá này giông giống đá Geyserite. Geyserite là một loại đá chỉ hình thành bên trong và quanh rìa các hồ suối nước nóng. Để bạn hiểu về tầm quan trọng của geyserite, tôi sẽ đưa bạn về vài thế kỉ trước. Năm 1871, trong một lá thư gửi bạn mình là Joseph Hooker, Charles Darwin có đề cập: "Sẽ thế nào nếu sự sống bắt đầu trong một cái ao nhỏ ấm áp với đủ loại hóa chất vẫn sẵn sàng để trải qua những thay đổi phức tạp hơn?" Chúng ta biết ao nhỏ ấm áp là gì. Đó chính là "suối nước nóng". Trong môi trường này, bạn có nước nóng hòa tan khoáng chất từ đá bên dưới. Dung dịch này hòa với hợp chất hữu cơ và tạo ra một loại nhà máy hóa chất mà theo các nhà nghiên cứu, có thể sản xuất ra những cấu trúc tế bào đơn giản vốn là những bước đầu tiên đến sự sống. Nhưng 100 năm sau bức thư của Darwin, người ta đã phát hiện mạch thuỷ nhiệt hay mạch phun nước nóng trong đại dương sâu. Và chúng cũng là các nhà máy hóa học. Cái này nằm dọc theo vòng cung núi lửa Tonga, sâu 1.100m dưới mực nước biển ở Thái Bình Dương. Khói đen mà bạn nhìn thấy bốc ra từ các cấu trúc giống như ống khói này cũng là chất lỏng giàu khoáng chất, vốn dùng để nuôi sống vi khuẩn. Và kể từ khi phát hiện ra những mạch phun này, kịch bản ưa thích về nguồn gốc của sự sống là trong đại dương. Và nó có căn cứ chính đáng: mạch biển sâu được biết đến nhiều trong di tích cổ thạch, và người ta cho rằng Trái đất sơ khai có một đại dương toàn cầu và có rất ít bề mặt đất liền. Nên khả năng cho rằng có rất nhiều mạch biển sâu trên Trái đất sơ khai rất phù hợp với nguồn gốc sự sống trong đại dương. Tuy nhiên... nghiên cứu của chúng tôi ở Pilbara lại đưa ra và chứng minh một quan điểm khác. Sau 3 năm, cuối cùng chúng tôi đã có thể khẳng định được, thực ra, hòn đá nhỏ của chúng tôi là geyserite. Kết luận này không những cho thấy mạch nước nóng đã tồn tại trong ngọn núi lửa 3,5 tỉ năm tuổi ở Pilbara của chúng tôi, mà nó còn đẩy lùi bằng chứng cho sự sống trên đất liền trong suối nước nóng trong di tích địa chất của Trái đất về ba tỷ năm. Và như vậy, từ góc độ địa chất, ao nhỏ ấm áp của Darwin là một ứng cử viên hợp lý cho câu đố về nguồn gốc sự sống. Tất nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc của sự sống trên Trái đất, và nó sẽ luôn như vậy. Nhưng rõ ràng nó đã phát triển mạnh mẽ; đã được đa dạng hóa, và trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Cuối cùng, nó đến thời kỳ của con người, một loài đã bắt đầu đặt câu hỏi về sự tồn tại của chính nó và sự tồn tại của sự sống nơi khác: Liệu có một cộng đồng vũ trụ nào đang chờ kết nối với chúng ta hay chúng ta chỉ có một mình? Một manh mối cho câu đố này một lần nữa đến từ hồ sơ đá cổ. Vào khoảng 2,5 tỷ năm trước, có bằng chứng cho thấy vi khuẩn đã bắt đầu sản sinh ôxy, hơi giống thực vật ngày nay. Các nhà địa chất gọi giai đoạn tiếp theo là Sự kiện Ôxy hóa Lớn. Nó được hiểu ngầm từ đá được gọi là cấu tạo sắt dải, nhiều trong số đó tồn tại dưới dạng những khối đá dày hàng trăm mét có thể thấy được trong các hẻm núi xẻ dọc Công viên Quốc gia Karijini ở Tây Úc. Sự xuất hiện ôxy tự do cho phép 2 thay đổi lớn xảy ra trên hành tinh chúng ta. Thứ nhất, nó cho phép sự sống phức tạp tiến hoá. Như bạn thấy, sự sống cần ôxy để lớn và phức tạp hóa. Và nó đã tạo ra tầng ô-zôn đang bảo vệ sự sống hiện nay khỏi tác hại của bức xạ tia cực tím mặt trời. Và thật bất ngờ, sự sống vi sinh vật lại mở đường cho sự sống phức tạp và về cơ bản, đã từ bỏ triều đại ba tỷ năm của nó trên hành tinh này. Ngày nay, loài người chúng ta đào bới sự sống phức tạp đã hóa thạch và đốt chúng làm nhiên liệu. Hành động này đang bơm một lượng lớn cacbon điôxit vào khí quyển, và giống như các tiền bối vi sinh vật của mình, chúng ta đã bắt đầu tạo nên những biến đổi quan trọng cho hành tinh mình. Và ảnh hưởng của các biến đổi đó đang được bao trùm bởi sự nóng lên toàn cầu. Không may là, bất ngờ lần này có thể là ngày tàn của nhân loại. Và vì thế có thể, lý do mà chúng ta chưa liên lạc được với sự sống nơi khác, sự sống thông minh nơi khác, là vì khi sự sống tiến hóa, nó sẽ tự hủy diệt nó nhanh chóng. Nếu những hòn đá biết nói, tôi ngờ rằng chúng sẽ nói thế này: Sự sống trên Trái đất rất quý giá. Nó là sản phẩm khoảng bốn tỷ năm của sự đồng tiến hóa tinh vi và phức tạp giữa sự sống và Trái Đất, trong đó con người chỉ đại diện cho mẩu chút xíu cuối cùng của thời gian. Bạn có thể sử dụng thông tin này làm hướng dẫn hoặc dự đoán hoặc giải thích lý do tại sao chúng ta có vẻ cô đơn trong phần thiên hà này. Nhưng hãy dùng nó để đạt được một số quan điểm về di sản mà bạn muốn để lại trên hành tinh bạn gọi là nhà này. Xin cảm ơn. (Vỗ tay)