Khi Dorothy còn là một cô bé cô bị cuốn hút bởi con cá vàng của mình. Cha cô giải thích rằng cá bơi được nhờ quẫy nhanh chiếc đuôi để đẩy mình đi trong nước. Không chút chần chừ, Dorothy đáp lại, "Vâng, thưa bố. Và cá bơi ngược lại bằng cách quẫy đầu." (cười) Trong tâm trí cô bé, điều đó là hiển nhiên như bao điều khác Cá bơi ngược bằng cách quẫy đầu của chúng. Cô bé tin vậy. Cuộc sống của chúng ta đầy rẫy những con cá bơi ngược. Chúng ta đưa ra những giả định và những lập luận sai lầm. Ta có những thành kiến. Chúng ta tự cho mình đúng, mọi người sai. Chúng ta e sợ điều tồi tệ. Chúng ta tìm kiếm sự hoàn hảo viễn vong. Ta bảo bản thân thứ làm được và không được Trong tâm trí chúng ta, cá bơi ngược bằng cách điên cuồng quẫy đầu ta thậm chí không để ý chúng. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe năm sự thật về tôi Trong đó một cái là giả. Một: Tôi đã lấy bằng danh dự toán học tại Harvard năm 19 tuổi. Hai: Tôi hiện đang điều hành một công ty xây dựng tại Orlando. Ba: Tôi đã đóng vai chính trong một phim. Bốn: Tôi mất đi thị giác do một căn bệnh di truyền hiếm gặp. Năm: Tôi từng là một phụ tá luật sư cho hai Tòa Thẩm phán Tối cao Hoa Kỳ. Cái nào là lời nói dối? Thật sự là, tất cả đều đúng. Vâng, tất cả đều đúng. (vỗ tay) Hầu hết mọi người chỉ quan tâm đến những show truyền hình. (cười) Tôi cũng như mọi người thôi. Đó là một chương trình trên NBC: "Saved by the Bell: The New Class." Tôi đã đóng vai Weasel Wyzell, một nhân vật trông rất mọt sách. Vai diễn này quả là một thách thức cho tôi khi tôi là một cậu bé 13 tuổi. (cười) Tại sao bạn lại nghi ngờ điều thứ tư, rằng tôi bị mù? Tại sao vậy? Chúng ta thường mặc định về những thứ gọi là khuyết tật. Là một người mù, tôi gặp phải những mặc định rất sai lầm về khả năng của mình. Tuy nhiên, mục đích hôm nay không về việc tôi bị mù. Mà là về tầm nhìn. Việc bị mù dạy tôi sống một cuộc sống với đôi mắt mở to. Dạy tôi nhận thức những con cá bơi ngược được tạo ra trong tâm trí ta. Việc bị mù buộc tôi phải tập trung. Khi nhìn bằng mắt thì thế nào? Gấp gáp và thụ động. Bạn chỉ cần mở mắt ra là đã thấy thế giới. Tai nghe không bằng mắt thấy. Đúng không nào? Vâng, đó là những gì tôi nghĩ. Từ 12 đến 25 tuổi, võng mạc của tôi dần trở nên tệ hơn. Thị lực của tôi ngày càng trở nên bất thường. cứ như trong nhà cười với gương và ảo giác. Người bán hàng tôi bắt gặp trong cửa hàng ra là manơcan. Khi chạm tay xuống bồn rửa tay, tôi chợt nhận ra mình đang chạm vào bồn tiểu thay vì bồn rửa khi tay tôi nhận ra hình dáng thực. Một người bạn miêu tả bức ảnh tôi đang cầm, thứ duy nhất tôi thấy là một bức tranh vẽ. Những vật thể xuất hiện, biến dạng rồi biến mất trong thực tế của tôi. Tôi thấy rất khó khăn và mệt khi cố nhìn mọi thứ. Tôi đã phải chắp ghép những phân mảnh, những hình ảnh thoáng qua, cố gắng phân tích những manh mối, tìm kiếm logic trong chiếc kính vạn hoa đang vỡ vụn, đến khi không thấy gì nữa. Tôi học được rằng những gì ta thấy không hoàn toàn là sự thật. Nó không phải là thực tế khách quan. Những gì ta thấy là những thực tế ảo cá nhân độc nhất được tạo ra hoàn hảo bởi não của chúng ta. Dùng ít kiến thức khoa học thần kinh giải thích. Trong cấu trúc não bộ, thị giác chiếm 30%, xúc giác chiếm 8%, và thính giác chiếm 2-3%. Mỗi giây, mắt bạn có thể gửi đến vỏ não thị giác hơn hai tỷ mẩu thông tin. Phần còn lại của cơ thể chỉ gửi đi một tỷ thông tin. Vậy, thị giác chiếm 1/3 bộ não theo thể tích và có thể khẳng định rằng khoảng 2/3 dữ liệu xử lý của não bộ. Ngạc nhiên hơn, những ảo tưởng bạn thấy quả thất rất hấp dẫn. Không sai: những gì bạn thấy chỉ là ảo tưởng. Đây mới là điều thú vị. Khi bạn nhìn một thứ gì đó, não bộ sẽ qui chiếu với những thứ bạn biết về thế giới này, những kiến thức, kí ức, quan điểm, cảm xúc, và sự chuyên tâm của bạn. Tất cả những thứ này được liên kết với thị giác trong não bộ. Những liên kết này diễn ra cả hai chiều, và thường xuyên vô thức. Ví dụ, thứ bạn thấy sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng, và tâm trạng của bạn có thể thay đổi những gì bạn thấy. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh. Nếu bạn được yêu cầu ước tính tốc độ đi bộ của một người đàn ông trong một video, chẳng hạn, câu trả lời sẽ khác nếu bạn được yêu cầu nghĩ về con báo hoặc rùa. Một ngọn đồi dường như dốc hơn khi bạn vừa mới leo, và cột mốc dường như xa hơn nếu bạn đang mang chiếc balô nặng. Chúng ta đang có mâu thuẫn căn bản ở đây. Những gì bạn thấy là một công trình mà tâm trí bạn tự tạo ra, bạn chỉ trải nghiệm nó thụ động, như những miêu tả trực tiếp từ thế giới xung quanh. Các bạn tạo ra hiện thực của mình, và các bạn tin nó. Tôi tin vào hiện thực cho đến khi nó tan vỡ. Sự suy thoái thị giác phá vỡ các ảo tưởng của tôi. Các bạn thấy đấy, nhìn chỉ là một cách để chúng ta định hình hiện thực. Ta tạo nên hiện thực của mình bằng rất nhiều cách. Lấy sợ hãi làm ví dụ. Nỗi sợ hãi bóp méo hiện thực của bạn. Với logic của nỗi sợ hãi, bất cứ điều gì cũng tốt hơn là sự không chắc chắn. Nỗi sợ làm mọi thứ mất đi giá trị, khiến bạn sợ hãi vì những thứ bạn biết, khiến bạn cảm thấy tồi tệ với những thứ mơ hồ, tạo ra cái cớ để cản trở bạn. Các nhà tâm lý gọi nó bằng thuật ngữ: tư duy lệch lạc. (cười) Đúng không nào? Nỗi sợ khiến những thứ ta không biết trở nên đáng sợ. Sự sợ hãi chỉ là ngộ nhận. Khi bạn đối mặt với nhu cầu lớn nhất để nhìn nhận bản thân và suy nghĩ một cách nghiêm túc, nỗi sợ hãi sẽ khiến bạn nhụt chí, từ trong thâm tâm, thu hẹp và bóp méo quan điểm của bạn, nhấn chìm khả năng tự ngẫm của bạn bằng một lượng lớn cảm xúc gây rối. Khi bạn có một cơ hội hấp dẫn để dấn thân, sợ hãi sẽ khiến bạn chùn bước, làm cho bạn chỉ dám đứng nhìn lời tiên tri trở thành hiện thực. Khi tôi được chuẩn đoán mù, Tôi biết mù loà sẽ huỷ hoại cuộc đời tôi. Mù loà là án tử cho sự tự do của tôi. Đó là cái kết cho những thành tựu. Mù có nghĩa rằng tôi sẽ sống một cuộc đời không có ý nghĩa, nhỏ bé và buồn tẻ, và gần như là đơn độc. Tôi biết chứ. Đó là một viễn tưởng của nỗi sợ hãi, nhưng tôi lại tin nó. Nó không thật, nhưng là hiện thực của tôi, cũng giống như những chú cá bơi ngược trong tâm trí của Dorothy. Nếu tôi đã không đối mặt với thực tế nỗi sợ của tôi, tôi đã sống trong sợ hãi. Tôi chắc chắn về điều đó. Vậy làm sao để có cái nhìn rộng hơn? Là một phương pháp rèn luyện. Điều này có thể học được, luyện tập được. Tôi sẽ tóm tắt rất ngắn gọn. Hãy có trách nhiệm với bản thân mình trong từng phút giây, từng suy nghĩ, và trong từng chi tiết. Hãy nhìn thấu nỗi sợ của bạn. Nhận thức được những nhận định sai. Hãy khai thác những ưu điểm bản thân. Và để những định kiến ngủ yên. Hãy thay đổi quan niệm sai lầm giữa may mắn và thành công. Hãy chấp nhận ưu và khuyết điểm của bạn, và thấu hiểu sự khác biệt. Hãy mở lòng với sự khoan dung. Những nỗi sợ, những định kiến, những anh hùng, kẻ phản diện trong bạn, đều là lời tự bào chữa, những duy lý, những tóm lược, những luận cứ, sự đầu hàng của bạn. Chúng đều là những hư cấu bạn tự cho là thực tế. Hãy chọn cách nhìn thấu chúng. Chọn cách buông bỏ. Bạn là người tạo ra thực tế của mình. Điều này hoàn toàn từ trách nhiệm bản thân. Tôi đã chọn cách ra khỏi căn hầm sợ hãi và dấn thân vào cuộc thám hiểm phía trước. Tôi đã sống một cuộc sống ý nghĩa. Không đơn độc, Tôi đã chia sẻ cuộc đời mình cùng Dorothy, người vợ xinh đẹp của tôi, với bộ ba, chúng tôi gọi là Tripskys, và thành viên mới nhất của gia đình, em bé Clementine. Nỗi sợ của bạn là gì? Bạn tự lừa dối bản thân điều gì? Bạn đã thêm thắt và tạo nên những ảo tưởng như thế nào? Bạn tự tạo ra thực tế nào cho bản thân? Trong sự nghiệp, đời sống cá nhân của bạn, trong các mối quan hệ, trong trái tim và tâm hồn bạn những con cá bơi ngược gây thiệt hại rất lớn. Chúng là cội nguồn của những cơ hội bị bỏ lỡ và những tiềm năng chưa thực hiện chúng tạo ra sự bất an và mất niềm tin, khi bạn tìm kiếm sự thoả mãn và kết nối. Tôi khuyên bạn nên tìm ra chúng. Helen Keller đã nói rằng thứ duy nhất còn tệ hơn mù loà chính là có thị lực mà không có tầm nhìn. Với tôi, mù loà là một ân huệ tuyệt vời, vì mù loà đem đến cho tôi tầm nhìn. Mong rằng bạn có thể thấy cái mà tôi thấy. Xin cám ơn. (vỗ tay) Bruno Giussani: Isaac, chỉ một câu nữa, trước khi anh rời sân khấu. Đây là câu hỏi của những doanh nhân, người thực hiện và nhà sáng tạo. Anh là CEO của một công ty tại Florida, và có lẽ rất nhiều người đang thắc mắc, Làm sao có thể là một CEO khi bị mù? Cụ thể anh đã gặp những khó khăn nào và làm sao để vượt qua chúng? IL: Vâng, khó khắn lớn nhất đã trở thành một ân huệ đối với tôi. Tôi không thấy được phản hồi qua vẻ mặt của mọi người. (cười) BG: Tiếng ồn ở kia ư? IL: Vâng. Ví dụ như, trong cuộc họp lãnh đạo nhóm của chúng tôi, tôi không thấy được biểu cảm khuôn mặt hay cử chỉ. Tôi học được cách thu thập phản hồi bằng lời nói hơn. Tôi yêu cầu mọi người nói cho tôi biết họ nghĩ gì. Và như vậy, như tôi đã nói, việc này thật sự là một ân huệ với bản thân tôi và với công ty, bởi vì chúng tôi giao tiếp ở một mức độ sâu hơn, chúng tôi tránh những thứ mơ hồ, và hơn hết, nhóm của tôi biết rằng những gì họ nghĩ mới thực sự là vấn đề. BG: Isaac, cảm ơn anh đã đến với TED. IL: Cảm ơn anh, Bruno. (vỗ tay)